Trang chủChia sẻTrẻ em ở Reykjavík và trẻ em có nguồn gốc nước ngoài...

Trẻ em ở Reykjavík và trẻ em có nguồn gốc nước ngoài bị phân biệt đối xử?

“Khi so sánh với các thành phố và các khu vực khác trên cả nước, liệu trẻ em sống tại thủ đô Reykjavík nói chung và trẻ em có nguồn gốc nước ngoài nói riêng, có đang bị phân biệt đối xử?” xuất phát từ một tin đã phát sóng trong chương trình Thời sự tối ngày 16/9/2021 về vị trí của người nhập cư trong xã hội Iceland, hay nói cách khác là những người có ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Iceland.

Theo như tin đã đưa, đây là một nhóm vô cùng đa dạng ở mọi lứa tuổi, đã đóng góp đáng kể cho kinh tế giai đoạn sau khủng hoảng, trong các ngành nghề dịch vụ và công việc chăm sóc, tiếp đó là nhóm các trẻ em.

Điều đáng buồn và gây sốc ở tin tức này đó là: việc người nhập cư cảm thấy rất khó khăn trong việc hoà nhập vào xã hội Iceland; việc trẻ em có nguồn gốc nước ngoài thường bỏ học ở cấp trung học phổ thông, rất ít đăng ký học đại học, hoặc bỏ giở giữa chừng và không quay lại học.

Tiếp theo đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã giới thiệu về hai tài liệu được xuất bản vào năm ngoái: “Hướng dẫn sử dụng tích cực ngôn ngữ mẹ đẻ và đa ngôn ngữ trong trường học và các hoạt động giải trí, và một dự thảo về chính sách giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên có nguồn gốc ngôn ngữ và đa văn hoá”.

Theo Sara Björg Sigurðardottir – Uỷ viên hội đồng thành phố, điều này chỉ thực sự giải quyết “bề nổi của tảng băng trôi” và nó giống như Đảng cấp tiến – Framsóknarflokkur đang cố gắng lợi dụng điều này để “làm màu” trong hoạt động tranh cử của mình, vì trên thực tế theo phân tích của bà: “Trẻ em sống tại Thủ đô nói chung và trẻ em có nguồn gốc nước ngoài nói riêng đã bị phân biệt đối xử trong vài năm trở lại đây so với các thành phố và khu vực khác trên cả nước.”

Lý do là gì?

Theo phân tích của Sara Börg, dựa vào việc kiểm tra và rà soát dữ liệu của “quỹ bình đẳng hóa” trên www.js.data.is có thể thấy rõ sự phân biệt đối xử mà cử tri Reykjavík và trẻ em trong thành phố phải đối mặt.

Quỹ này được hiểu đơn giản, để giúp tất cả được hưởng các quyền lợi giống nhau, quỹ này thường được chia cho các vấn đề quan trọng: như cho các hoạt động của các trường tiểu học, để hỗ trợ nhu cầu đặc biệt của học sinh, trẻ em khuyết tật và cuối cùng là học sinh nói tiếng Iceland như một ngôn ngữ thứ hai.

Mặc dù thực tế là công dân Reykjavík phải trả cho quỹ tiêu dùng công cộng cũng như một phần cho quỹ bình đẳng hóa, như tất cả những người đi làm khác ở tất cả các nơi trên cả nước. Thậm chí, vào năm 2020 theo ước tính cư dân Reykjavík đã đóng góp gần 10 tỷ kr cho Quỹ bình đẳng, tuy nhiên trẻ em của thành phố và trẻ em gốc nước ngoài không nhận được bất kỳ đồng nào từ quỹ này.

Bà cũng chỉ ra rằng, theo dữ liệu thống kê, Thành phố Reykjavík không nhận được khoản đóng góp bắt buộc cho trường học từ quỹ bình đẳng hóa, cũng như các khoản hỗ trợ trẻ em gốc nước ngoài như các thành phố khác trong nước. Do đó, có thể nói trẻ em có nguồn gốc nước ngoài không chỉ bị ảnh hưởng khi là trẻ em trong các trường học ở Reykjavík mà còn bị ảnh hưởng bởi các nguồn gốc của mình. Điều này có thể nói rằng trẻ em đang bị phân biệt đối xử dựa trên nơi cư trú và nguồn gốc của mình.

Do đó theo Sara Börg, ba vị Bộ trưởng của Đảng Cấp tiến – Framsóknarflokkur, chủ tịch Sigurður Ingi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Lilja Alfreðsdóttir và Bộ trưởng Các vấn đề trẻ em/công tác thanh thiếu niên Ásmundur Einar, dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Katrín Jakobsdóttir, đã cố tình phân biệt đối xử với trẻ em trong thành phố trên cơ sở nơi cư trú và nguồn gốc của trẻ trong vài năm trở lại đây.

Cũng theo bà, điều đáng suy nghĩ ở đây đó là: Họ ủng hộ quyền lợi và lợi ích của trẻ em nhưng lại bỏ mặc những đứa trẻ trong các trường tiểu học của thành phố Reykjavík nói riêng và những trẻ em có nguồn gốc nước ngoài nói chung, sau đó lại bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến những đứa trẻ có nguồn gốc nước ngoài thông qua hai tài liệu được giới thiệu trong mục tin tức Thời sự tối qua. Liệu có sự nhất quán nào không trong những gì họ đang cố thể hiện ra và những gì họ đã làm trong những năm gần đây?

Có thể thấy rằng, trong thời gian gần đây, việc tranh cử giữa các Đảng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Việc tranh cử này không chỉ là cơ hội để các Đảng đưa ra những kế hoạch cũng như đường lối sẽ thực hiện trong tương lai, mà còn giúp chúng ta thấy nhiều khía cạnh khác của các vấn đề trong xã hội cần được bổ sung, sửa đổi.

Nên đọc
Tin liên quan