Trang chủCư trúLý lịch tư pháp

Lý lịch tư pháp

Thời gian gần đây, phiếu lý lịch tư pháp bỗng trở nên HOT hơn bao giờ hết vì “sự khó khăn vô hình” khi xin mẫu giấy này của các công dân Việt Nam đang định cư tại Iceland. Chi phí để xin mẫu giấy này cũng vì “sự vô hình” đó mà cũng trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Vậy phiếu lý lịch tư pháp là gì? Và có khó khăn hay không khi xin mẫu giấy này, tintuc.is sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn tất cả những vấn đề liên quan đến mẫu giấy đang làm mưa làm gió này.

Lý lịch tư pháp là gì?

Hiểu một cách đơn giản thì lý lịch tư pháp chỉ là một văn bản mà ở đó ghi rõ tình trạng án tích của một cá nhân. Nghĩa là nếu chúng ta có án tích thì ở đó sẽ ghi án tích mà chúng ta có là gì, hoặc nếu chúng ta chưa từng có án tích thì đương nhiên trong giấy sẽ ghi “không án tích”.

Có 2 loại phiếu lý lịch tư pháp, phân biệt với nhau rõ ràng dựa theo nội dung thể hiện trên phiếu đó, cụ thể:

  • Phiếu lý lịch tư pháp số 1: sẽ ghi các án tích chưa được xóa và không ghi các án tích đã được xóa; thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp số 1 khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu.
  • Phiếu lý lịch tư pháp số 2: sẽ đầy đủ các án tích, bao gồm án tích đã được xóa và án tích chưa được xóa và thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nguồn ảnh: vietnam-visa.com

Đối tượng được cấp Lý lịch tư pháp?

Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình. Nghĩa là, tất cả các công dân Việt Nam bao gồm các công dân đang ở trong nước và các công dân Việt Nam đang định cư tại nước ngoài)

Câu hỏi: Tôi đang có án tích, vậy tôi có thể xin được phiếu lý lịch tư pháp không?

Trả lời: Đương nhiên có! Chỉ có điều trong phiếu lý lịch tư pháp sẽ ghi bạn đang có án tích.

Lý lịch tư pháp để làm gì?

Lý lịch tư pháp nhằm cung cấp thông tin chứng minh một cá nhân có án tích hoặc không có án tích, có bị cấm gì hay không?

Trong trường hợp một người đã từng mang án tích và đã được xoá án tích, phiếu lý lịch tư pháp cũng cung cấp thông tin về việc xoá án tích của người này.

Lý lịch tư pháp có thời hạn trong bao lâu?

Lý lịch tư pháp thường có thời hạn trong vòng 6 – 12 tháng và thời gian này thường do cơ quan hoặc đơn vị tiếp nhận yêu cầu (ví dụ UTL yêu cầu trong 12 tháng). Vậy nên khi nộp hồ sơ yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp, mọi người cần chú ý đến thời hạn của lý lịch tư pháp để chuẩn bị cho đúng.

Làm lý lịch tư pháp mất bao lâu?

Theo pháp luật thì việc cấp giấy lý lịch tư pháp sẽ trong khoảng thời gian không quá từ 10 – 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.

Làm lý lịch tư pháp mất bao nhiêu tiền?

Lệ phí làm lý lịch tư pháp được quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

  • Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp: 200.000 đồng/lần/người.
  • Phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sỹ): 100.000 đồng/lần/người.

Các trường hợp miễn phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp gồm:

Trẻ em theo quy định tại Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Người cao tuổi theo quy định tại Luật người cao tuổi; Người khuyết tật theo quy định tại Luật người khuyết tật; Người thuộc hộ nghèo và Người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 Phiếu trong một lần yêu cầu, thì kể từ phiếu thứ 3 trở đi cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp thu thêm 5.000đ/phiếu, để bù đắp chi phí cần thiết cho việc in mẫu Phiếu lý lịch tư pháp.

Hướng dẫn cách làm lý lịch tư pháp

Có 3 cách làm Lý lịch tư pháp, bao gồm:

Làm lý lịch tư pháp trực tiếp tại cơ quan cấp Lý lịch tư pháp,

Làm lý lịch tư pháp online;

Làm Lý lịch tư pháp qua bưu điện.

Trong bài viết này tôi sẽ hướng dẫn mọi người cách làm lý lịch tư pháp online vì đa phần những người cần giấy đang cư trú tại Iceland và cảm thấy khó khăn vì không thể về Việt Nam để trực tiếp xin phiếu Lý lịch tư pháp trực tiếp.

Để làm lý lịch tư pháp online một cách hiệu quả nhất, mọi người cần làm theo những bước sau:

Bước 1: Kê khai trực tuyến

Bước 1.1. Đầu tiên, bạn truy vào Cổng Dịch vụ đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến theo đường dẫn https://lltptructuyen.moj.gov.vn/home.

Bước 1.2. Tiếp theo, bạn chọn đối tượng xin cấp lý lịch tư pháp.

Có 5 nhóm đối tượng bao gồm:

  • Công dân Việt Nam thường trú/tạm trú ở trong nước
  • Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài
  • Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam
  • Công dân Việt Nam không xác định nơi thường trú/tạm trú
  • Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam

Đối với những người đang cư trú tại Iceland, mọi người cần chọn “Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài” như trong hình! Sau đó chọn nơi thường trú hoặc tạm trú chính là tỉnh thành mà mọi người tạm trú khi về Việt Nam, ví dụ: Quảng Ninh, Thái Bình,….

Sau khi chọn xong tỉnh thành, thì ấn vào dấu mũi tên bên cạnh để tiếp tục. Bạn sẽ thấy màn hình hướng dẫn hiển thị. Lúc này, bạn ấn vào nút [NHẬP TỜ KHAI] để tiếp tục.

Như ví dụ này, tôi chọn tỉnh Thái Bình. Tại đây có đầy đủ các hướng dẫn rất chi tiết bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho tất cả mọi người đều có thể khai báo một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Bước 1.3. Khai thông tin

Đây là bước quan trọng nhất trong quá trình khai lý lịch tư pháp trực tuyến. Mọi người phải đảm bảo mọi thông tin kê khai đều chính xác, nếu không có thể bạn sẽ không được cấp Lý lịch tư pháp.

Sau khi nhập xong, bạn sẽ ấn nút  [Tiếp tục/NEXT] để sang bước tiếp theo hoặc nhấn nút [Quay lại/BACK] để quay lại bước 1.

Phần tờ khai lý lịch tư pháp online này sẽ bao gồm 5 phần thông tin như sau.

1. Thông tin cơ bản

Ví dụ minh hoạ

Chú ý tất cả các mục có dấu (*) bắt buộc phải điền.

Họ và tên: (Ghi rõ họ và tên tiếng Việt, VD: Nguyễn Văn Anh)

Ngày sinh: (ghi theo thứ tự ngày/tháng/năm vd: 11/02/1999)

Quốc tịch: Việt Nam

Dân tộc: (chọn dân tộc, ví dụ: Kinh hoặc Mường, Thái,…..)

Nơi thường trú: (Địa chỉ đang sinh sống tại Iceland). Nhớ đánh dấu tích (x) vào ô Nước ngoài cùng dòng. Ngay sau khi mọi người đánh dấu tích, mục chọn quận huyện, tỉnh thành sẽ đổi thành “chọn quốc gia”, và việc cần làm là chọn Iceland.

Giấy tờ tuỳ thân: Tuỳ mọi người chọn. Có 4 loại: CMND, Hộ chiếu, Thẻ thường trú và Căn cước công dân. Chọn loại nào thì ghi thông tin của loại giấy tờ đó.

Điện thoại: Mọi người có thể ghi số điện thoại người thân ở Viêt Nam cho tiện liên lạc, hoặc cũng có thể ghi số điện thoại bên này.

Email: Thư điện tử – Trong thời buổi công nghệ như hiện nay, khuyến khích mọi người điền thông tin địa chỉ hòm thư điện tử để tiện trao đổi và liên hệ.

Thông tin về thân nhân, điền hay không không quan trọng, nhưng nếu có thì khuyến khích điền.

2. Thông tin về quá trình cư trú

Quá trình cư trú: Trong mục này, mọi người sẽ khai quá trình cư trú kể từ khi đủ 14 tuổi trở đi. Mọi người bấm vào “Nhập thông tin cư trú” để bắt đầu.

Về thông tin quá trình cư trú khi đăng ký lý lịch tư pháp trực tuyế: Mọi người chỉ cần nhập phần thông tin tính từ thời điểm đủ 14 tuổi, và không cần nhập thông tin trước thời điểm 14 tuổi.

Số lượng dòng để nhập thông tin về quá trình cư trú tối đa là 15 dòng.

Bạn phải đảm bảo mọi thông tin nhập đều đúng, vì nếu sai, hồ sơ xin lý lịch tư pháp trực tuyến của bạn sẽ không được tiếp nhận.

3. Thông tin khác/Thông tin về yêu cầu cấp lý lịch tư pháp.

  • Đây là phần thông tin về lý lịch tư pháp mà bạn muốn được cấp, bao gồm loại Lý lịch tư pháp số (Lý lịch tư pháp số 1 hay Lý lịch tư pháp số 2), đối tượng cấp, mục đich sử dụng.
  • Lưu ý: Đối với yêu cầu cấp Lý lịch tư pháp số 1, bạn hoàn toàn có thể chọn Có Yêu cầu xác nhận về nội dung cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản hay không, nhưng với yêu cầu cấp Lý lịch tư pháp số 2, thì đây là thông tin bắt buộc và bạn không thể chọn Không.
  • Sau cùng, bạn chọn đối tượng nộp phí. Ở phần này, bạn cũng phải đảm bảo chọn đúng đối tượng, vì nếu chọn sai thì hồ sơ xin lý lịch tư pháp của bạn cũng sẽ không được tiếp nhận.

4. Tải hồ sơ đính kèm

Công dân cần chụp ảnh/scan các giấy tờ sau để tải lên làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ:

  • Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân (scan 2 mặt);
  • Hộ khẩu thường trú (scan đầy đủ trang bìa và các trang đã ghi thông tin liên quan đến bản thân).

5. Thông tin về phương thức nộp hồ sơ và nhận kết quả

  • Bạn có thể chọn nộp hồ sơ tại nhà (qua bưu điện) và/hoặc nhận kết quả tại nhà (qua bưu điện) hoặc nộp hồ sơ và/hoặc nhận kết quả lý lịch tư pháp trực tiếp tại cơ quan tư pháp. Phương thức nộp hồ sơ sẽ quyết định cách bạn nộp phí làm lý lịch tư pháp. Bạn có thể yêu cầu Sở Tư pháp cho thay đổi phương thức nhận kết quả cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ việc nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính sang nhận trực tiếp, nhưng không được hoàn lại phí dịch vụ bưu chính đã nộp.
  • Khi đó, bạn sẽ có các thông tin tương ứng cần điền. Địa chỉ đến lấy hồ sơ để nộp cũng như nhận kết quả phải là địa chỉ thuộc địa phương tương ứng với tỉnh/thành mà bạn chọn ban đầu.
  • Bạn có thể xem thông tin về cước phí tương ứng bên trái màn hình.

Sau đó, bạn cần xác nhận thông tin đã nhập và nhấn nút [Tiếp tục / NEXT] để sang bước tiếp theo.

6. Xác nhận thông tin kê khai

Xác nhận lại thông tin đã nhập. Người dùng có thể in tờ khai đã nhập ra file *.doc bằng cách nhấn nút [In tờ khai] ở góc phải

7. Nhập mã xác nhận và kết thúc đăng ký kê khai

Nhập mã xác nhận để xác thực người dùng >> nhấn [Tiếp tục/NEXT] để
chuyển sang bước tiếp theo hoặc nhấn [Quay lại/BACK] để quay lại.

Nhấn nút [OK] trên hộp thoại xác nhận

Hệ thống trả lại cho người dùng mã số đăng ký trực tuyến. Người dùng nhấn nút [Hoàn thành/FINISH] để hoàn tất quá trình đăng ký của mình.


Lưu ý: Người dùng cần ghi nhớ mã số đăng ký trực tuyến được cấp, khi nộp hồ sơ
phải cung cấp mã số này cho bộ phận tiếp nhận để nhận phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 2: Nộp hồ sơ lên đơn vị cấp lý lịch tư pháp

Sau khi đăng ký lý lịch tư pháp online, bạn sẽ cần chuẩn bị các hồ sơ sau để nộp lên đơn vị cấp Lý lịch tư pháp mà bạn đã chọn:

  • Tờ khai đã in
  • Bản sao công chứng chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu)
  • Bản sao công chứng sổ hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú)
  • Phiếu đăng ký nhận kết quả Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính nếu chọn (Mẫu số 01/2014/LLTP)
  • Mã số đăng ký trực tuyến lý lịch tư pháp được cấp
  • 02 ảnh
  • Phí cấp lý lịch tư pháp cũng như phí chuyển phát (nếu có)

Thời gian nộp hồ sơ là 5 ngày kể từ ngày đăng ký online. Nhân viên bưu cục sẽ tới nhà bạn lấy hoặc bạn mang đến bưu cục để gửi để đảm bảo thời gian chuyển đến cơ quan tư pháp. Hoặc bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.

Bạn sẽ nhận kết quả theo như phương thức đã đăng ký ở trên.

Cần làm gì sau khi nhận được phiếu lý lịch tư pháp?

Sau khi nhận được lý lịch tư pháp, mọi người cần mang đến trung tâm dịch thuật công chứng giấy tờ. Thông thường mất khoảng 1 – 2 ngày cho việc dịch và công chứng giấy tờ với mức lệ phí cũng không hề cao.

Sau khi đã dịch thuật và công chứng, mọi người mang đi hợp pháp hoá lãnh sự. Sau bước này là phiếu lý lịch tư pháp của bạn đã hoàn toàn có thể sử dụng hợp lệ tại Iceland rồi (trong các trường hợp nộp thẻ lần đầu cũng như tất cả cá trường hợp đổi thẻ). Không cần phải gửi đi Bắc Kinh gì đâu ạ.

Chú ý: Trong trường hợp bạn cần nộp bổ sung giấy lý lịch tư pháp cho hồ sơ quốc tịch, do lý lịch tư pháp mà bạn nộp lần đầu đã quá hạn, thì bạn cần nộp lý lịch tư pháp với hai lần dấu. Để cho thật chắc chắn bạn nên liên lạc với đại diện UTL để hỏi chi tiết về trường hợp của mình xem liệu có cần nộp bổ sung không, hoặc yêu cầu cho bản lý lịch tư pháp mới là gì.

Thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự sẽ được tintuc.is hướng dẫn trong bài viết tới. Chúc mọi người có thể xin cấp phiếu Lý lịch tư pháp an toàn, hợp pháp và đặc biệt là tiết kiệm chi phí.

Nguồn:

Nên đọc
Tin liên quan